Nhiều bạn thắc mắc con trai bốn tuổi của tôi đọc lượng truyện tranh 200 quyển như thế nào.
Cảm ơn các bạn đã dành sự quan tâm đến bài viết nhỏ của tôi. Nhiều bạn thắc mắc về số sách truyện trong tủ sách nhỏ của con tôi như bạn Mây_lang_thang: “Ngạc nhiên vì con trai tác giả mới 4 tuổi đã đọc hết 200 quyển truyện tranh.
Bạn Nguyen Dung: 200 quyển như truyện tranh không màu ngót 18 nghìn một quyển × 200= 3.6tr. Dịch tôi chỉ dám cho con em tô màu, chơi đồ chơi, làm việc nhà, mấy cái trò tiêu khiển chứ không tiêu tiền thôi.
Hạ Vũ: Con tác giả mới 4 tuổi chưa đi học lớp 1 mà đã đọc 200 quyển truyện rồi sao?
Trong bài viết tôi có ghi rõ: “Trải qua một năm dịch, tủ sách của con đã lên đến gần 200 cuốn tranh truyện đủ các đề tài”. Số lượng sách có được nhờ sự tích cóp liên tục “góp gió thành bão” chứ chúng tôi hoàn toàn không có khả năng mua một lần đến 200 cuốn sách truyện thiếu nhi.
Chuyện đọc sách của con tôi bắt đầu từ truyền thống gia đình. Ông ngoại hồi xưa thường mua nhiều sách báo, tạp chí. Mẹ tôi rất thích đọc nên từ nhỏ cho đến lớn, trong nhà tôi có một tủ sách báo lớn tha hồ đọc mỗi ngày. Đến khi lên đại học tôi cũng bắt đầu mua sách lần lần để đọc.
Khi có thai, tôi tìm đọc các tài liệu trên sách báo hướng dẫn cách dạy con trẻ. Các tài liệu này các bạn có thể dễ dàng tham khảo trên google về “lợi ích của việc đọc trẻ cho trẻ em” và “tác hại khi trẻ em xem thường xuyên tivi, máy tính bảng, điện thoại”.
Và tôi bắt đầu chuẩn bị cho con đọc sách rất sớm, từ lúc bé chỉ vài tháng tuổi. Rèn luyện thói quen đọc sách chẳng phải là chuyện đơn giản, đó là sự nỗ lực của gia đình tôi suốt 4 năm qua (1460 ngày). Chúng tôi cũng may mắn là cháu thực sự thích thú với việc đọc sách song song với chơi đồ chơi và vận động chạy nhảy ngoài trời.
Trước khi đi vào câu chuyện ” rèn thói quen đọc sách”, thực ra con tôi chẳng phải là “mọt sách” gì cả. Thường mỗi ngày chúng tôi thay nhau đưa con đến các công viên chơi mỗi ngày vài ba tiếng, cháu đạp xe, chạy nhảy, chơi cát, chơi cầu tuột, xích đu, đá banh … Hoặc ra bờ sông ngắm tàu thuyền qua lại, quan sát xe chạy trên đường, ngắm diều bay trên trời. Hoặc đến Thảo cầm viên tìm hiểu về động thực vật, vận động dưới nước ở hồ bơi…
Hiện nay ở Việt Nam, thị trường sách phát triển mạnh, phong phú đa dạng, có đủ các thể loại sách dành cho các độ tuổi. Với trẻ 0-1 tuổi, trong các nhà sách hoặc các trang website bán sách có các loại sách vải, sách bìa cứng, sách âm thanh, flashcard với nhiều hình ảnh giúp trẻ làm quen với sách, kích thích thị giác để trẻ làm quen các hình ảnh đơn giản, và học những từ vựng cơ bản.
Giai đoạn này tôi đặt sách ở ngay chỗ bé ngủ và chơi. Sách luôn ở trong tầm tay để bé sử dụng sách như một món đồ chơi bình thường. Mỗi ngày tôi mở sách đọc cho bé nghe vài lần, mở các flashcard cho bé xem hình ảnh về các loại động vật, thực vật, các loại hoa, các loại tôm cá, xe cộ…
Mỗi đứa bé có tốc độ phát triển ngôn ngữ khác nhau, bởi vậy ba mẹ cần theo sát con để chọn mua sách truyện phù hợp với bé. Trong số hàng ngàn loại sách dành cho độ tuổi mầm non, nên đọc trước khi chọn mua để đảm bảo thích hợp với con.
Như con tôi thời gian học từ vựng kéo dài gần hai năm. Bé nhớ các từ trong bộ flashcard 150 miếng, các từ vựng về đồ vật trong nhà, thức ăn, hình dạng, động vật nuôi, màu sắc trong bộ tủ sách ươm mầm (sáu cuốn), các từ vựng trong bộ big book sách khổng lồ về động vật biển, các loại máy kéo, các loại tàu thuyền, các loại xe tải, các loại tàu hỏa, tên lửa vũ trụ, địa lý các châu lục,… (10 cuốn này đọc đến lớn), bộ sách bé học tiếng Việt 100 từ mới (ba cuốn)…
Bí quyết mua sách của chúng tôi cũng đơn giản, tùy ngân sách của gia đình “liệu cơm gắp mắm”. Mỗi tháng 500 nghìn – 2 triệu là dư mua thoải mái rồi. Chịu khó tìm mua ở các hiệu sách, đường sách, cửa hàng sách cũ và lùng mua sách giảm giá online trên các trang mạng. Cùng một cuốn sách mỗi website sẽ có giá khác nhau, có những đợt sách sale 50%-70% hoặc mã giảm giá thì chọn đặt mua.
Khi bé đã có vốn từ kha khá để học nói, giao tiếp, những bộ ehon Nhật Bản, truyện thiếu nhi… với nội dung đơn giản sẽ giúp bé có những câu nói hoàn chỉnh, đầy đủ nội dung. Bé sẽ học cách giao tiếp, ứng xử như cách chào hỏi, giao tiếp ứng xử, biết nói xin lỗi, cảm ơn, cách hoạt động của xã hội bên ngoài. Việc tập trung trong lúc đọc sách rèn cho trẻ tính kiên nhẫn, tập trung nữa.
Trả lời thắc mắc “Trẻ con chưa biết chữ thì đọc sách thế nào”?, dĩ nhiên ba mẹ phải là người đọc sách cho con rồi. Việc này sẽ mất nhiều thời gian, nhất là với đứa trẻ thích đọc sách và nhà có sẵn nhiều sách để đọc. Trong khi đọc ba mẹ sẽ trả lời câu hỏi của bé và giải thích các chi tiết trong sách.
Chưa 3 tuổi con tôi đã nhớ mặt bảng chữ cái tiếng Việt và số đếm, nhưng chỉ dừng lại ở đó. Cháu không thích học chữ và các giáo viên cũng không dạy bé học ráp vần. Khi bé 4 tuổi, tôi đã nhờ vả từ cô giáo mầm non đến bạn tôi giáo viên tiểu học, ai cũng từ chối việc dạy chữ trước cho cháu. Mọi người đều bảo bé chưa đến tuổi học chữ, một số tài liệu cũng giải thích 6 tuổi trẻ mới bắt đầu tiếp nhận việc học chữ, không cần ép.
Tôi cũng chưa bỏ cuộc vì rõ ràng con tôi rất thích đọc, mỗi ngày cháu đọc sách 3-4 lần, mỗi lần 10 phút đến nửa tiếng. Tôi nghĩ rằng nếu con biết đọc chữ thì vợ chồng tôi đỡ mất thời gian đọc sách cho con và cháu cũng dễ dàng hiểu nội dung sách. May mắn là các thầy cô đã giảng giải và chuyển tài liệu cho tôi về giai đoạn trẻ “phát triển tư duy trí tưởng tượng và trí óc phong phú” khi chưa biết đọc chữ. Thực ra, những nội dung chữ trong sách lại giới hạn suy nghĩ của trẻ.
Trẻ con như trang giấy trắng với đầu óc gần như rỗng, bộ nhớ còn trống nhiều nên khả năng ghi nhớ của các bé rất nhanh. Bởi vậy, khi ba mẹ đọc truyện chỉ vài lần các bé sẽ nhanh chóng hiểu và nhớ (theo cách của bé) nội dung cơ bản. Nắm được thông tin trong sách rồi, những lần sau bé có thể mở từng trang sách, quan sát hình ảnh và tự triển khai cốt truyện theo trí tưởng tượng bay bổng của con.
Mỗi cuốn truyện có những nhân vật khác nhau, con tôi nhớ tên và tính cách, hành động của các nhân vật đó rất nhanh. Các trang sách khơi mở óc sáng tạo, tính tò mò khoa học, kích thích tư duy suy nghĩ của trẻ em, điều mà người lớn thường bị giới hạn.