Khởi động tháng 3, cũng là Tháng thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vừa trao giải cuộc thi “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” mà nhiều tác giả đoạt giải là người trẻ.
Không chỉ tôn vinh, xem sách như người thầy, cuộc thi này còn kỳ vọng mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ hãy xem sách như người bạn tâm giao để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.
Thông điệp “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” cũng được lan đi từ ước muốn đó. Văn hóa đọc trở thành câu chuyện được nhắc đến khá nhiều thời gian gần đây.
Từ mô hình đường sách thành công của TP.HCM, những đường sách tương tự đã chào đời tại một số tỉnh thành khác trong cả nước cũng không ngoài mục tiêu xây dựng văn hóa đọc cho mọi người.
Đã có nhiều chương trình, hoạt động cổ vũ, xây dựng thói quen đọc, tiến tới hình thành văn hóa đọc trong xã hội. Chúng ta đã có Ngày sách Việt Nam 21-4 hằng năm. Thậm chí đã có những hội thảo bàn câu chuyện chấn hưng văn hóa đọc với người dân Việt Nam hiện nay. Vì sao vậy?
Theo thống kê từ Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), bình quân mỗi năm một người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong danh sách 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới, Đông Nam Á gọi tên Singapore, Malaysia và Indonesia, hoàn toàn không có tên Việt Nam.
Theo một báo cáo khác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), tỉ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc là 44% và chỉ có 30% người Việt Nam đọc thường xuyên.
Có thể sẽ có những lý giải khác thay cho các con số. Rằng thời đại công nghệ, truyền thông đa phương tiện, người ta có thể đọc bằng nhiều cách và không nhất thiết cứ phải là sách! Rằng lướt điện thoại xem tin tức cũng là một cách đọc!
Nhưng không hẳn thế. Sách vẫn mang giá trị riêng có của nó, vẫn tồn tại với một vị trí và chỗ đứng không thể thay thế.
Lý giải dễ chấp nhận nhất chỉ là do nhiều người lười, chưa tự tạo cho mình thói quen đọc. Phần đông chúng ta vẫn thường chỉ tìm đến sách và đọc khi buộc phải nắm chắc một vấn đề, sự kiện nào đó sách đã in.
Có câu nói “Một cuốn sách hay trên giá sách là một người bạn, dù quay lưng lại nhưng vẫn là bạn tốt”. Vậy tại sao chúng ta lại quay lưng với người bạn tốt?
Hãy khoan nói đến cuốn sách gối đầu nằm. Cũng không quá cần những phong trào rầm rộ kêu gọi đọc sách để rồi cao điểm đi qua, đâu lại vào đấy. Có thể khởi đầu từ mỗi cá nhân, mỗi ngày 30 phút dành cho sách, tại sao không?
Mỗi người chắc không quá bận đến mức không thể dành chừng ấy của quỹ thời gian 24 tiếng trong ngày của mình làm bạn cùng sách.
Nhìn xa hơn sẽ phải là câu chuyện xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ ngay trong từng gia đình, rồi đến lớp học, nhà trường, điều mà hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Nếu văn hóa được xem là “cái hồn, cái cốt” tạo nên hình ảnh của mỗi dân tộc, quốc gia thì văn hóa đọc cũng cần được xác lập với vị thế xứng tầm trong tiến trình phát triển của một đất nước. Mà trước hết phải bắt đầu từ giới trẻ.
Nếu không là người trẻ thì cũng sẽ khó là ai khác có thể kiến tạo và xây dựng văn hóa đọc trong xã hội, nhất là với đất nước được xem là dân số trẻ như Việt Nam.