Blog

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách từ gia đình

Nhiều người yêu sách, ham đọc sách và thành công trong cuộc sống chia sẻ rằng gia đình chính là nơi bắt đầu tốt nhất để hình thành thói quen tốt đẹp đó.

Văn hóa đọc trong gia đình

Lợi ích của việc đọc sách nhiều là thế, song trước tác động mặt trái của kinh tế thị trường cùng nhiều thành tựu vượt bậc của khoa học kỹ thuật, quỹ thời gian của mỗi người ưu tiên cho công việc, cùng với sự xuất hiện của các thiết bị thông minh thuận tiện để thỏa mãn nhu cầu giải trí dẫn đến thói quen đọc sách của không ít người dần bị mai một.

Thật không hiếm khi bắt gặp hình ảnh trong các gia đình, nhất là vào buổi tối, mỗi người một chiếc điện thoại trong tay lướt mạng xã hội, chơi game, ít chú trọng đến việc đọc sách. Nhiều gia đình sở hữu những tiện nghi đắt tiền, sang trọng nhưng vắng bóng sách.

Ít người nhận ra rằng, gia đình chính là nơi dễ dàng tạo nền tảng, thói quen tốt cho các thành viên trong gia đình, làm cơ sở hình thành, duy trì, phát triển những giá trị đạo đức cá nhân và xã hội. Việc hình thành, phát triển văn hóa đọc trong gia đình có ý nghĩa quan trọng, trong đó ông bà, cha mẹ nên làm gương, thường xuyên hướng dẫn, khuyến khích, truyền cảm hứng đọc sách cho con cháu.

Bà Đới Thị Kim Thoa (sinh năm 1962, trú phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội) dù đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn luôn duy trì thói quen đọc sách như ngày còn trẻ. Bà Thoa từng làm NXB Lý luận Chính trị, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tủ sách cá nhân của bà đến nay đã hơn 1.200 cuốn, bao gồm nhiều thể loại như Văn hóa xã hội – lịch sử, văn học nghệ thuật, chính trị – pháp luật… Có những cuốn sách bà sưu tầm cách đây hơn 40 năm vẫn được lưu giữ cẩn thận.

Bà Thoa là người luôn truyền cảm hứng, tình yêu sách cho con cháu trong gia đình. Mỗi ngày, bà dành 2 tiếng để đọc sách, có những cuốn sách bà đọc đi đọc lại nhiều lần đến mức thuộc làu từng đoạn. Niềm đam mê với sách không biết từ bao giờ đã thấm nhuần vào gia đình 3 thế hệ của bà. Mỗi thành viên trong gia đình bà Thoa đều có tủ sách riêng. Buổi chiều mỗi khi có thời gian rảnh, gia đình bà lại quây quần, gắn kết với nhau bằng những cuốn sách, bà hay đọc sách cho cháu nhỏ nghe, phần thưởng cho con cháu mỗi khi có dịp đặc biệt cũng là sách.

Ngoài đọc sách sưu tầm, mua ở các nhà sách, mới đây bà Thoa còn đọc nhiều sách, báo điện tử qua máy tính, điện thoại di động. “Cũng không biết từ khi nào sách là thứ không thể thiếu đối với tôi. Việc đọc sách hàng ngày không chỉ giúp tôi mở mang kiến thức mới mà còn rèn luyện sức khỏe tinh thần, giải tỏa căng thẳng. Tôi mong rằng con cháu của tôi luôn giữ được thói quen đọc sách như hiện tại…”, bà Thoa chia sẻ.

Hay anh Nguyễn Trí Đức (SN 1994, phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội), một người không may bị khiếm thính bẩm sinh, vì không thể giao tiếp bình thường như những người khác, từ nhỏ anh đã đắm chìm vào những dòng chữ, bức tranh trong sách vở. Văn hóa đọc trong gia đình anh cũng không biết hình thành từ khi nào, sách là nơi các thành viên có thể giao tiếp với nhau dễ dàng hơn. Mỗi tháng, anh Đức thường dành một buổi cùng mẹ và em trai đến nhà sách, triển lãm để đọc và mua sách.

Từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, anh Đức tiếp tục học thêm công nghệ thông tin tại trung tâm Nghị lực sống. Hiện nay, anh đang kết hợp với Nhà phân phối sách bản quyền Benito để biên tập, thiết kế bìa sách. Tủ sách cá nhân của anh sưu tầm đến hơn 500 cuốn sách, bao gồm nhiều thể loại khác nhau.

Mỗi tháng có lương, anh lại thưởng cho mình 1 đến 2 cuốn sách anh thích. Có những lúc tâm trạng rơi vào trạng thái tiêu cực, anh Đức tìm đọc những cuốn sách của các tác giả nổi tiếng với những triết lý sâu sắc về cuộc đời, từ đó tiếp thêm nghị lực sống cho anh.

Để sách luôn là bạn

Văn hóa đọc của một gia đình có truyền thống đọc sách lâu năm sẽ góp phần truyền cảm hứng cho những thế hệ sau này, cần tiếp tục phát huy và khơi dậy niềm say mê đọc sách của trẻ nhỏ. Người lớn cần định hướng cho trẻ nhỏ sách giống người bạn có thể chia sẻ về tri thức, chữa lành tâm hồn, cần phải trân trọng và nâng niu.

Học sinh Hà Nội hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023”. Ảnh: Thu Hương.

Đối với những người ít có thói quen đọc từ nhỏ, khi đọc nên chọn cuốn sách dễ hiểu, bản thân yêu thích, đọc hàng ngày, mỗi lần đọc một ít. Khi đọc cố gắng tập trung, suy nghĩ về nội dung đó, liên tưởng tới trải nghiệm của bản thân, tưởng tượng ra hoàn cảnh, tâm trạng của nhân vật được đề cập tới, tóm tắt nội dung trang sách vào sổ tay, kể lại cho người khác nghe. Đối với trẻ em cần chọn lựa những loại sách phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sở thích. Học sinh nhỏ tuổi nên cho tiếp cận với sách có nhiều tranh minh họa để trẻ dễ tiếp thu, cảm thấy hứng thú.

Dịch giả, diễn giả Nguyễn Quốc Vương – người từng có 8 năm học tập, nghiên cứu về giáo dục lịch sử tại Nhật Bản đang tích cực làm công tác khuyến đọc tại Việt Nam chia sẻ: “Để văn hóa đọc hình thành trong mỗi cá nhân, gia đình, người lớn cần rèn luyện tư duy, đánh thức bộ não của trẻ nhỏ. Muốn hình thành thói quen đọc sách không phải ngày một ngày hai là làm được, chìa khóa của nó là cần có sự kiên trì và quyết tâm”.

Văn hóa đọc đang phát triển theo vòng quay cuộc sống, việc khuyến khích thế hệ trẻ luôn giữ thói quen đọc sách giúp tìm tòi và mở rộng kiến thức văn học luôn là điều cần thiết, tăng cường vốn tri thức cho mỗi cá nhân, hỗ trợ việc học tập trong nhà trường. Văn hóa đọc đang lan tỏa đến tất cả mọi nhà, mọi lứa tuổi, ai cũng có thể lựa chọn cho mình một cuốn sách phù hợp đọc trong thời gian rảnh giúp trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, áp dụng tri thức vào thực tiễn.

Nội dung khác:

Mua sách nhận điểm thưởng! Tìm hiểu thêm