Nếu Hảo hán nơi trảng cát của Jorge Amado (1912 – 2002) là cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi ở Salvador thì Cây cam ngọt của tôi là cuộc đời của những con người trong khu xóm nghèo ở thủ đô Rio de Janeiro.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ lần đầu tiên cậu bé Zezé bước vào văn chương và ở lại đó cùng với cây cam ngọt ngào lẫn đắng chát của mình, độc giả tiếp tục khóc cười với cuốn tiểu thuyết thành công nhất của nhà văn José Mauro de Vasconcelos (1920 – 1984) – Cây cam ngọt của tôi (Nguyễn Bích Lan – Tô Yến Ly dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn).
Trong lần đầu xuất bản vào năm 1968, sách bán được hơn 200.000 bản, trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử của Brazil. Tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy của các trường tiểu học và dịch ra 19 thứ tiếng phát hành ở Mỹ, châu Âu, châu Á.
Các nhà làm phim cũng chuyển thể Cây cam ngọt của tôi thành phim truyền hình dài tập và phim điện ảnh. Sau khi qua đời năm 1984, José Mauro de Vasconcelos được đặt tên cho nhiều thư viện và hiệp hội văn hóa trên khắp Brazil.
Năm 2015, Google Doodle đã vinh danh Mauro nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của ông.
Nếu Hảo hán nơi trảng cát của Jorge Amado (1912 – 2002) là cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi ở Salvador thì Cây cam ngọt của tôi là cuộc đời của những con người trong khu xóm nghèo ở thủ đô Rio de Janeiro.
Ở đó, những người lớn tất tả trong cuộc mưu sinh bỏ quên chú bé Zezé nghịch ngợm chật vật trong thế giới tuổi thơ của mình. Trước một thế giới ảm đạm buồn chán, Zezé phải bày đủ trò quậy phá đến mức bị đòn roi.
Zezé lấy trí tưởng tượng để làm vũ khí chống lại thế giới người lớn quay cuồng trong tiền bạc nhưng thiếu vắng hạnh phúc và ước mơ. Cậu đặt tên cho cây cam trong vườn là Minguinho và như hai người bạn, chúng trò chuyện với nhau, cùng nhau bước qua một tuổi thơ khốn khó nhưng không tuyệt vọng.
Câu chuyện đơn giản nhuốm màu sắc tự truyện vẫn khiến cuốn sách gặt hái được thành công quốc tế, trở thành một tác phẩm mang tính giáo dục cao, dẫu tác giả không tuyên ngôn dưới bất kỳ hình thức nào.
Tác phẩm được đưa vào chương trình tiểu học, chuyển thể thành phim và cách đây không lâu trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho một ngôi sao K-pop.
Thời đại bất an mà nhà văn sống là thời đại của những nhà độc tài, những cuộc cách mạng, nội chiến liên miên.
Cho nên tác phẩm không chỉ là hành trình hướng thiện của một đứa trẻ mà còn là cuộc chiến thu nhỏ diễn ra ở chốn tận cùng, nơi con người chống lại sự tàn nhẫn của cuộc đời để bảo vệ sự ngây thơ của thế giới.
Thiên thần bên trong ‘con quỷ nhỏ’
“Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này” – đó là lời cậu bé Zezé 5 tuổi – nhân vật chính trong Cây cam ngọt của tôi – khi đang bị ốm. Đó cũng là câu nói khiến nhiều người day dứt kể cả khi đã khép lại trang cuối cuốn sách mỏng nhưng lấy đi nhiều nước mắt.
Zezé lớn lên trong một gia đình nghèo ở Rio de Janeiro (Brazil). Mẹ đi làm suốt ngày ở nhà máy, cha thất nghiệp và các anh chị không hiểu cậu. Cậu phải chịu đựng những trận đòn roi, mắng mỏ.
Trong mắt mọi người, Zezé có một con quỷ nhỏ trong cơ thể nên mới nghĩ ra đủ trò tinh nghịch: đốt hàng rào nhà bà Eugênia, đá bóng qua cửa sổ làm vỡ gương nhà cô Narcisa, bắn súng cao su vỡ ba bóng đèn đường, ném đá vào con trai ông Abel.
Cậu tự nhận mình là một thằng bé hư: “Em nghĩ tốt nhất ngày mai một chiếc xe hơi trên đường quốc lộ cán chết em đi cho rồi”.
Nhưng Zezé tinh nghịch với lời nói có vẻ cay độc là một cậu bé có tình yêu thương trong sáng. Khi thấy cô giáo không được ai tặng hoa, cậu lặng lẽ kiếm một bông hoa cắm vào lọ cho cô.
Giáng sinh đến, Zezé đặt đôi giày ở cửa, cậu mong ngày hôm sau ngủ dậy sẽ nhận được quà. Nhưng không có gì cả. Cậu nghĩ: “Thật kinh khủng khi có một người cha nghèo”. Thế rồi cậu vẫn quyết định ra phố đánh giày để kiếm 12 xu mua bao thuốc lá tặng bố.
Dù vậy, Zezé không đơn độc nhờ trí tưởng tượng kỳ diệu. Cậu làm bạn, tâm sự với một cây cam ngọt biết nói chuyện tên là Pinkie.
Giữa thế giới đầy tiếng la mắng và đánh đập, vẫn còn những người nhìn thấy điểm tốt ở một cậu bé bị coi là rắc rối và đối xử dịu dàng. Họ chính là cây cam ngọt giữa mảnh đất khắc nghiệt.
“Pha trộn giữa sự khó khăn cay đắng của nghèo đói với niềm vui khi tìm thấy những điều khiến cuộc đời đáng sống”, ấn phẩm Booklist nhận xét về tác phẩm.
Đó cũng là điều mà Zezé khi trở thành người đàn ông 44 tuổi nhận ra khi nhớ về ông Bồ – người từng đối xử rất tốt với cậu: “Chính ông đã dạy cháu biết sự trìu mến là gì, ông Bồ yêu quý ạ… Nếu không có sự trìu mến cuộc sống chẳng còn đặc biệt nữa”.
Nhận xét về cuốn sách Cây Cam Ngọt Của Tôi
Cây Cam Ngọt Của Tôi là một cuốn tự truyện đầy cảm động, tuy đớn đau nhưng vẫn ngập tràn tình yêu thương.
Đọc cuốn sách để biết rằng mỗi người chúng ta đều là một món quà. “Ai đã ở trên đời, thì người đó xứng đáng được sinh ra, con ạ”. Cuộc đời này vẫn thật đáng sống, và ai trên đời cũng xứng đáng được yêu thương. Những nỗi đau rồi cũng sẽ qua đi nếu chúng ta trao đủ yêu thương tới những người cần nó. Zeze bất hạnh trong gia đình cuối cùng cũng đã gom góp được yêu thương từ những người hàng xóm thân quen hay từ bông hoa trắng của cây cam trong khu vườn.
Một lần nữa, cuốn sách Cây Cam Ngọt Của Tôi nhắc nhở người lớn những bài học về cách đối xử với con trẻ. Tuy nhỏ tuổi nhưng các em là những tâm hồn rất nhạy cảm, đòn roi chưa bao giờ là cách giao tiếp hiệu quả với những đứa trẻ tội nghiệp ấy. Hãy dạy dỗ chúng bằng tình yêu thương.
Sách Cây Cam Ngọt Của Tôi giúp chúng ta hồi tưởng những kỉ niệm tuổi thơ vui vẻ và ngọt ngào nhưng vô cùng hấp dẫn. Những chuyến phiêu lưu trong tưởng tượng là những kí ức vui vẻ mà ai cũng muốn nhớ về.
Lời kết
Dù là người lớn hay vẫn còn bé dại, hãy một lần đọc cuốn sách Cây Cam Ngọt Của Tôi. Chúng ta sẽ được lên chuyến tàu tìm về quá khứ, tìm về những kí ức tuổi thơ đáng nhớ và học được thật nhiều bài học về tình yêu thương.