Để tránh nhàm chán, một số người đọc nhiều thể loại sách cùng lúc và chọn quyển phù hợp với tâm trạng để nghiền ngẫm.
Triết gia Hy Lạp Aristotle từng có câu: “Chúng ta là những gì chúng ta làm lặp đi lặp lại. Do đó, sự xuất sắc đến từ thói quen, không chỉ là một hành động”. Theo Insider, mỗi tuần Bill Gates đọc một quyển mới, còn Elon Musk đọc 10 tiếng mỗi ngày trước khi ông trở thành CEO của Tesla.
Theo Guardian, muốn nâng cao việc đọc, con người cần đem sách vào từng ngóc ngách cuộc sống. Tác giả người Anh Gary Eberle cho biết đọc là nghi thức giúp ông tập trung hơn. Ông tưởng tượng mình ra khỏi dòng chảy đời sống nhộn nhịp và bước vào vùng tĩnh tâm. Eberle gợi ý mỗi người có thể tự tạo không gian đọc riêng bằng cách “nhâm nhi” cuốn sách tại một chiếc ghế cố định trong công viên. Thế là, hễ bước vào không gian đó, tâm trí trở nên tĩnh lặng, sẵn sàng dung nạp các kiến thức trên trang giấy.
Qua thời gian, nghi thức này tự nhiên “du nhập” vào cuộc sống, trở thành thói quen, khiến con người không còn nghĩ rằng mình bị ép đọc. Lúc đó, đọc là bản năng – tựa việc ăn uống. Nina Freudenberger – tác giả cuốn Bibliostyle: How We Live at Home with Books – cho rằng nếu muốn việc đọc trở thành phần tất yếu, gia đình nên trưng sách khắp nhà, trong tầm mắt các thành viên.
Trên Nytimes, nhà thơ Mỹ Elisa Gabbert đặt mục tiêu đọc 52 cuốn sách một năm. Cô làm vậy để không sa đà vào một số chương trình giải trí vô bổ và đặt bản thân trong khuôn khổ kỷ luật. Đa số năm, cô thường không đạt đúng chỉ tiêu, như năm 2017, cô chỉ đọc 48 cuốn. Tuy nhiên, điều này đủ tạo cảm hứng cho người theo dõi cô trên mạng xã hội và khiến họ làm theo.
Tác giả 15 tuổi Nguyễn Khang Thịnh, người Hà Nội, cũng duy trì thói quen đọc nhờ tính kỷ luật. Mỗi tối, cậu dành trọn hai tiếng chìm vào thế giới con chữ, hạn chế cầm điện thoại. Tác giả trẻ nói mong các bạn đồng trang lứa hạn chế dùng thiết bị điện tử, mạng xã hội và tập trung suy nghĩ vào tác phẩm. Như thế, người đọc không bị xao nhãng, có thể hoàn thành sách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, Khang Thịnh cho rằng bí quyết đọc sách không thấy chán là thay đổi thể loại thường xuyên. Ngoài sách khoa học, dạy kỹ năng, Thịnh thích truyện trinh thám, có lối dẫn dắt ly kỳ. Vào những ngày học mệt, cậu đọc vài mẩu truyện hài – vừa giải tỏa căng thẳng, vừa giúp giữ thói quen. Cách này tương đồng với chia sẻ của biên tập viên Kevin Nguyen trên theverge. Mọi người có thể theo đuổi nhiều thể loại sách cùng lúc để dễ chọn tác phẩm phù hợp với tâm trạng lúc cần đọc. Ví dụ, nếu có một giờ rảnh, họ chọn truyện dài. Khi ra đường, họ bỏ túi cẩm nang kiến thức nhỏ gọn.
Cuộc sống bận rộn nên con người thường không đọc hết sách trong một lần. Thu Uyên – biên tập viên công ty phát hành sách – cho biết cô luôn ghi lại tình tiết mình đọc chưa trọn hoặc chụp hình đoạn văn đáng nhớ. Nhờ thế, cô không cần đọc lại vì những ghi chú hỗ trợ cô ôn kiến thức, giúp tiết kiệm thời gian và quá trình đọc cũng suôn sẻ hơn.
Khao khát làm chủ tri thức có thể là một trong những động lực để một người chọn đọc sách. Nhà giáo Giản Tư Trung (viện trưởng viện Giáo dục IRED) nói việc đọc xuất phát từ nhu cầu học hỏi, sinh sống và làm việc. Như sinh viên tham khảo giáo trình, nhà nghiên cứu nghiền ngẫm sách chuyên sâu, hoặc trẻ em đọc vì vui thích. Khi nhận ra đọc sách là phương thức học tập, trau dồi bản thân hiệu quả, con người tìm đến sách như điều hiển nhiên.
Bên cạnh ăn ngon, mặc đẹp, người đọc “nuôi” trí óc bằng các tác phẩm – nơi chứa tinh túy được đúc kết từ những người thông thái, có nhiều chiêm nghiệm cuộc sống. Tuy hoạt động đọc sách thường chỉ một mình, người đọc không cô đơn vì họ đang giao tiếp với tác giả, với những suy tư của chính mình khi gập sách lại. Lúc đó, độc giả được sẻ chia, thậm chí thấy được sống trong thế giới của người viết.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 32.948 (gồm cả sách giáo khoa, giáo trình…). Trong “biển” sách, người đọc phân vân vì không biết tác giả là ai, sách nói về gì, có đáng đọc hay không. Quế Chi – sinh viên ngành Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP HCM – nói cô thường tìm các kênh giới thiệu sách để tham khảo, hoặc chọn ấn phẩm theo tên tác giả mình tin tưởng. Điều này đồng nghĩa, người đọc cần hiểu rõ nhu cầu, sở thích bản thân trước khi bước vào hành trình tìm tri thức và niềm vui ở sách.
Còn với tác giả Mỹ Kristin Hannah, đọc đơn thuần là thú vui tràn ngập bất ngờ, không cần quá câu nệ các tiêu chí và người đọc có thể dừng ngay nếu thấy không thích. “Tôi đọc thử 50 trang mỗi cuốn. Nếu thấy không hợp, tôi lại tìm bến đỗ phù hợp khác”, cô nói trên Nytimes.