Blog

7 cách giúp con thích đọc sách người Do Thái thường làm

Để trẻ con đến với sách một cách tự nhiên, người Do Thái đã làm một mẹo nhỏ, đó là bôi ít mật ngọt vào đầu quyển sách.

Người Do Thái rất coi trọng tri thức mà hầu hết kiến thức họ có được là do đọc sách nhiều. Sách là một người bạn tốt của chúng ta, nhưng trẻ em ngày nay đang có rất nhiều “người bạn thú vị” khác như tivi, iPad, game… Do đó, để tạo dựng cho trẻ thói quen đọc sách không phải là việc dễ dàng.

Muốn làm được điều này, mọi người cần biết 7 điều sau đây.

1. Tiếp cận một cách hứng khởi

Trước tiên, người Do Thái không giảng giải với con cái sách bổ ích như thế nào, họ chỉ làm một việc đơn giản là bôi ít mật ngọt vào đầu quyển sách. Khi ngửi và nếm nó, bọn trẻ sẽ lân la chơi với sách cả ngày dài một cách say sưa. Đó là một trong những mẹo đơn giản nhưng hiệu quả.

Đồng thời, trẻ cũng được dạy rằng sách rất ngọt ngào. Chúng ta đều biết rằng ấn tượng ban đầu rất quan trọng và có thể theo chúng ta suốt cuộc đời. Do đó, đứa bé khi cảm nhận được sự thơm ngọt của sách qua những giọt mật, chúng đã cảm thấy yêu sách và sách giống như sinh mệnh vậy. Từ đó, tình yêu với sách sẽ lớn dần lên trong chúng.

2. Đối xử với sách như người bạn thân

Đừng sợ làm hỏng sách mà ngăn cấm trẻ tiếp xúc, chơi với sách từ thuở nhỏ. Thậm chí, bố mẹ có thể tận dụng sách để cùng chơi trò xếp hình với trẻ hằng ngày. Điều này giúp trẻ làm quen với những cuốn sách, chơi cả buổi mà vẫn say sưa.

Sách cũng nên được đặt ở nơi mà trẻ dễ tiếp cận và gần gũi nhất, để bé có thể lấy ra một cách dễ dàng. Cha mẹ cũng nên xếp cho trẻ một tủ sách riêng, đặt gần chỗ ngủ. Như vậy, các con sẽ nhìn thấy sách hằng ngày và cha mẹ cũng có thể tiện tay đọc sách bất cứ khi nào mình thích.

Tại quê hương của những người Do Thái, họ có hơn 1000 thư viện công cộng và trong mỗi gia đình đều có ít nhất một tủ sách. Cha mẹ luôn luôn đặt tủ sách ở đầu giường cho con và coi đây chính là di sản quý giá để lại cho thế hệ sau này.

3. Cha mẹ là người làm gương

Sau khi giúp trẻ hình thành thói quen làm bạn với sách, cha mẹ sẽ là tấm gương để con trẻ bắt đầu đọc và học hỏi nội dung từ trong sách. Khi muốn bắt chước làm theo những hình ảnh nhìn thấy hàng ngày, trẻ sẽ thắc mắc xem cha mẹ đang làm gì mà say sưa và chăm chú vậy. Hãy giải thích rằng bạn đang chơi một trò chơi rất thú vị và có thể rủ con chơi cùng, chẳng hạn như đọc thi xem ai đọc hay hơn.

Đây là giai đoạn khơi gợi sự tò mò của trẻ về nội dung trong sách nên không cần ép chúng đọc quá nhiều. Thời lượng vừa đủ sẽ giúp trẻ hình thành thói quen mà không cảm thấy “chán ngấy”. Một món ăn mà hơi ít thì chúng cảm thấy thiếu thiếu và muốn ăn thêm mỗi ngày là bạn đã bắt đầu thành công.

Mọi người cũng nên thường xuyên dẫn con cái đi nhà sách. Điều quan trọng là, thay vì mua sách theo ý của cha mẹ, hãy chỉ đưa ra gợi ý để con tự chọn sách cho mình, chẳng hạn như: “Mẹ thấy quyển sách này đẹp quá”, “Bố thấy nhân vật này ngộ nghĩnh quá… con thấy có thích không? Nếu thích con có thể chọn chúng”. Quá trình này sẽ giúp trẻ nghĩ rằng quyển sách ấy là do chính mình chọn, từ đó có hứng khởi và trách nhiệm hơn với cuốn sách của mình.

4. Thảo luận về nội dung sách

Những cuốn sách dành cho trẻ con thường có nội dung rất đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu với người lớn. Nhưng đối với trẻ con, đó vẫn là một thế giới rất mới lạ. Cha mẹ nên thường xuyên trao đổi với con về nội dung mà chúng đã đọc sau khi kết thúc mỗi cuốn sách.

Chẳng hạn, bạn có thể đặt ra những câu hỏi đơn giản như: “Theo con thì nhân vật này có điểm gì tốt?”, “Nhân vật kia nên làm gì nếu gặp trường hợp này”… Đây là những câu hỏi giúp trẻ tư duy, hỗ trợ phát huy trí não, phát triển về ngôn ngữ và cách diễn đạt.

Thời điểm vừa đọc xong, trẻ đang rất hứng thú và muốn được sẻ chia nên sẽ hăng hái trình bày với bạn về những gì chúng nghĩ. Bạn cũng có thể thông qua những gì trẻ diễn đạt để hiểu hơn về tính cách của trẻ, qua đó đặt ra những câu hỏi để hướng đến những bài học tốt đẹp. Đây cũng là cơ hội để đưa những kiến thức mà trẻ đã đọc được từ sách vào áp dụng thực tế.

Nếu nội dung câu chuyện về lòng hiếu thảo, bạn có thể đố trẻ rằng “Để hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì con nên làm gì?”. Đồng thời, hãy khuyến khích trẻ áp dụng những kiến thức chúng đã được hấp thụ từ sách vào thực tế bằng những lời tán thưởng thích hợp.

5. Đừng biến sách trở nên khô khan, nhàm chán

Ở độ tuổi trẻ thơ, các bé không thể hình dung việc đọc sách quan trọng như thế nào. Do đó, để câu chuyện dễ đi vào tâm trí của trẻ, cha mẹ nên đưa nội dung những cuốn sách thành câu chuyện vui, hài hước, hóm hỉnh. Càng gần gũi với đời sống hằng ngày thì trẻ sẽ càng có hứng thú hơn.

6. Đặt mục tiêu và động lực đọc sách cho con

Trong những ngày nghỉ, trẻ con thường muốn dùng phần lớn thời gian để vui chơi. Cha mẹ nên là người đưa việc đọc sách vào thời gian biểu của con. Chẳng hạn như tạo ra một số thách thức, cột mốc để chúng phấn đấu đạt tới, “nếu con đọc xong quyển sách này trong ngày hôm nay, con sẽ được cộng 2 điểm, nếu con được 10 điểm con sẽ có một món quà”. Lúc này chính là lúc bạn tặng cho trẻ những món quà mà chúng đang mong muốn sở hữu.

7. Khuyến khích trẻ tự tìm kiếm kiến thức từ sách

Khi trẻ hỏi bạn về một vấn đề nào đó, bạn có thể giải thích cơ bản cho chúng về vấn đề mà chúng đang quan tâm. Khi giải thích xong bạn khuyến khích chúng tìm thêm kiến thức đó từ quyển sách nào đó. Khi căn nhà của bạn đã có nhiều sách, văn hóa đọc sách sẽ lớn dần lên cùng với trẻ và việc đọc sách sẽ diễn ra một cách tự nhiên như cách chúng lớn vậy.

Hãy khuyến khích trẻ đọc một quyển sách nhiều lần vì mỗi lần chúng sẽ cảm nhận một cách khác nhau. Quan điểm đọc 101 lần tốt hơn đọc 100 lần cũng chính từ đây mà ra. Người Do Thái luôn cho rằng: Với một cuốn sách, đọc lần đầu qua loa để hiểu toàn bộ linh hồn của cuốn sách. Sau đó, với mỗi lần đọc lại, chắc chắn chúng ta sẽ phát hiện ra được một điều gì mới mẻ của cuốn sách.

Mua sách nhận điểm thưởng! Tìm hiểu thêm